Mỗi năm hoa đào nỡ

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua

Vài nét về nhà Thư Pháp CHÍ TRỌNG


_ Tốt Nghiệp với 2 bằng đại học : Ngành địa lý du lịch và báo chí  của trường ĐH KHXH&NV Tp.HCM.

_ Là hội viên lâu năm của  nhiều câu lạc bộ thư pháp tại Tp.HCM

_ Từng giảng dạy về Thư pháp tại nhà Văn Hóa Thanh Niên.

_ Giảng dạy Thư Pháp tại một số chùa trong Tp.HCM

_ Đã chỉ dạy hàng trăm nhà thư pháp, có rất nhiều học trò đã có vị trí trong làng thư pháp.

_ Là 1 trong 10 thư pháp gia được mời tham gia viết tại Đại lễ Ngàn Năm Thăng Long Hà Nội, ngoài ra anh cũng tham gia rất nhiều các triển lãm về Thư Pháp tại HCM

_ Ngoài ra Chí Trọng còn nhận học trò ở một số lĩnh vực nghệ thuật có liên quan như : Đàn tranh, thổi sáo, thổi tiêu .

_ …….. 

THƯ PHÁP LÀ GÌ?

 Có lẽ, thư pháp là “thú chơi” nho nhã phong lưu nhất trần đời mà tạo hoá ban tặng cho con người. Nói đến nghệ thuật thư pháp, người ta nghĩ đến cái “thần” của chữ. Đó là thần thái của “người cho chữ” được thể hiện qua phong thái ung dung tự tại, tâm thế vững vàng và nét bút tài hoa phóng khoáng...

Kỳ công chữ nghĩa

Người khai sinh ra thư pháp viết bằng chữ quốc ngữ, có lẽ là nhà thơ Đông Hồ(?). Những lúc hứng thú, thi sĩ xứ Hà Tiên lại cầm bút lông phóng bút trên giấy dó những câu thơ “thiên cổ chí kim” của bạn thơ và của chính mình. Thời của Đông Hồ thi sĩ, viết thư pháp không thuần túy là “thú chơi” mà trở thành “đạo” của chữ nghĩa. Những bức thư pháp do Đông Hồ phóng bút là quà tặng dành cho người tri âm tri kỷ.

Bậc cao niên trong làng thư pháp ở đất “Tràng An thanh lịch” là ông Lê Xuân Hòa và ông cũng đã được giới thư pháp Việt Nam xem là tiền bối về nghệ thuật thư pháp, nhất là thư pháp Hán ngữ; là bậc tài hoa của nền thư pháp Việt Nam với cái tâm ông tĩnh mà động, thần thái nho nhã như một “cụ Đồ”.

Nhà thư pháp Lê Xuân Hòa nổi tiếng với những triển lãm thư pháp tại Văn miếu Quốc Tử Giám, đã từng được một số nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thưởng lãm. Mỗi bức thư pháp mà ông Hoà tặng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cụ Giáp đều mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, đức độ, tài năng và tấm lòng “ưu nước thương dân”. Thế mới thấy, thư pháp không chỉ là chữ nghĩa.

Sự “bùng nổ” về nghệ thuật thư pháp trong những năm qua làm phong phú, đa dạng cả về phong cách thể hiện và ý nghĩa nhân sinh của thư pháp. Những dịp Cố đô Huế tổ chức Festival, người dân Huế và du khách trong và ngoài nước rất thích thú trước những gian trưng bày thư pháp. Đặc biệt là trưng bày thư pháp “độc bản” Truyện Kiều của Nguyễn Du, được nhóm thư pháp của Huế phóng bút trên giấy dó khổ rộng. Còn độc đáo hơn, trong dịp Festival Huế gần đây, một nhà thư pháp Huế đã làm cho du khách ngạc nhiên và trầm trồ thán phục: viết thư pháp... bằng râu. Riêng việc dưỡng râu đã là một kỳ công. Nhưng dùng “bút râu” chấm vào nghiêng mực để thể hiện... thư pháp trên giấy phải gọi là “công phu tuyệt đỉnh”!

Thư pháp là sự kết hợp giữa nghệ thuật viết chữ và ý nghĩa của những chữ thể hiện trong bức thư pháp. Chữ nghĩa của các bậc “thánh hiền” thường thấy trên các bức thư pháp như: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Phúc, Lộc, Thọ, Nhẫn. Thơ của các nhà “Đường thi”, thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các nhà thơ: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Bùi Giáng..., ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhiều thi sĩ, nhạc sĩ khác xuất hiện với tần suất cao tại các cuộc triển lãm thư pháp, trên lịch Tết, trong nhà những người yêu thư pháp và “sính” văn chương.

Nghề "chơi" cũng lắm công phu!

Phóng bút trên giấy vẫn chưa đủ “đô” để chuyển “lời hay ý đẹp” đến với công chúng nên những nhà thư pháp đã tìm tòi thể hiện nhiều “hình thái” thư pháp khác nhau và đã mang lại hiệu quả nhất định.

Thư pháp không đơn thuần thể hiện trên giấy dó, mà còn được thể hiện trên gỗ, trên đá, trên lá, trên vải vóc, trên nong, nia, giần sàng... Nhà thư pháp Hồ Công Khanh khá nổi tiếng trong những năm qua đang thể nghiệm hình thức thư pháp... viết trên đá. Cây bút thư pháp Phạm Tấn Dũng ở thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn - Quảng Nam) cũng có trên 100 bức “thạch thư pháp” như thế.

Những nhà thư pháp trẻ, thường là sinh viên trường mỹ thuật, là người có nhiều “sáng tạo” thư pháp trên các chất liệu khác nhau. Thật thú vị khi thư pháp được thể hiện trên quả bầu khô với những câu thơ liên quan đến “tửu”; nghe mùa xuân đồng đất chuyển mình với thư pháp... trên trái bí đỏ; âm thanh của đất mẹ, của chiêm nghiệm nhân sinh của thư pháp trên gốm và nghe những nhọc nhằn mùa màng, những khúc ca dao của thư pháp trên nong, nia giần sàng quen thuộc của nhà nông.

Đặc biệt, nghệ thuật sáng tạo trong thư pháp rất độc đáo là “thư ảnh”, thư pháp thể hiện trên ảnh nghệ thuật đã xuất hiện tại cuộc triển lãm gần đây của một nghệ sĩ nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh.

Bàn về thư pháp, đã tốn không ít giấy mực của những nhà nghiên cứu nghệ thuật, văn hoá, ngôn ngữ, của những những người “trong nghề” và của những nhà báo, nhà phê bình...

Có một dạo, trên báo chí người ta “phê” thư pháp viết bằng tiếng Việt, đại thể là: Tiếna Việt mà viết xuống dòng như chữ Tàu, thế có gì mà đẹp? Có người còn “vu” rằng: Thư pháp tiếng Việt viết theo phong cách hiện hành là làm nghèo ngôn ngữ dân tộc (?)…

Phê phán hay “tụng ca” là quyền và cái “gu” thẩm mỹ của mỗi người. Thư pháp vẫn tồn tại và phát triển từ xưa đến nay. Nó góp phần làm cho cuộc sống của còn người bớt bận bịu lo toan...

Ngày Xuân, tản mạn... cùng thư pháp để thanh thản, nhẹ lòng cùng dư vị mùa xuân lan toả khắp đất trời. “Chớ tưởng xuân tàn, hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai”. Xin mượn câu thơ của Mãn Giác Thiền sư để chào đón “nhành mai sân trước” báo hiệu mùa xuân rạo rực khắp đất trời.

Make a Free Website with Yola.